Kết quả, đánh giá và ảnh hưởng Chiến_dịch_giải_phóng_Bulgaria

Kết quả và đánh giá

Chiến dịch Bulgaria đã dẫn tới sự sụp đổ của chính quyền thân Đức tại quốc gia này và sự thành lập chính phủ của Mặt trận Tổ quốc do K. S. Geogriyev đứng đầu. Chính quyền mới nhanh chóng từ bỏ phe Trục, gia nhập phe Đồng Minh và tuyên chiến với nước Đức Quốc xã cùng đồng minh cuối cùng của nó là Hungary. Mặt trận Tổ Quốc cũng giải tán quốc hội cùng hệ thống cảnh sát cũ, tiến hành cải tổ quân đội và đặt các tổ chức phát xít ra ngoài vòng pháp luật. Quân đội Bulgaria đóng ở Hy LạpNam Tư cũng nhanh chóng được rút về nước.

Chiến dịch giải phóng Bulgaria nhanh chóng thành công là nhờ có sự phối hợp giữa quân đội Liên Xô và những người yêu nước Bulgaria, trong đó, các Liên đoàn du kích Bulgaria đóng vai trò quan trọng về quân sự. Mặt khác, đòn tấn công của Phương diện quân Ukraina 2 sang phía Tây cũng đe dọa cắt đứt con đường rút lui của quân đội Đức Quốc xã khỏi Bulgaria và Hy Lạp, buộc Cụm tập đoàn quân F và cánh quân Bulgaria của Tập đoàn quân E (Đức) phải nhanh chóng rút lui. Trong khi đó, chủ lực của Cụm tập đoàn quân "Nam" (Đức) đang bận đối phó với cuộc tấn công của quân đội Liên Xô tại Bắc Transilvania, không có các đơn vị rảnh rỗi trong lực lượng dự bị nên đã chịu để mất Bulgaria một cách nhanh chóng.

Khác với cuộc Khởi nghĩa tháng 8 năm 1944 tại Romania cần có sự tham gia của nhà vua Romania và một bộ phận tướng lĩnh trong quân đội Romania, cuộc Khởi nghĩa ngày 9 tháng 9 năm 1944 ở Bulgaria hoàn toàn sử dụng lực lượng du kích do Đảng Công nhân Bulgaria (cộng sản) tổ chức, có sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân Bulgaria. Sức ép của ba tập đoàn quân Liên Xô trên chiến trường, sức mạnh của 13 Liên đoàn du kích, của các cuộc đình công, bãi công của người lao động Bulgaria và tâm lý chán ghét chiến tranh, không muốn đổ máu giữa những người Slave của binh lính và nhân dân Bulgaria đã làm cho cuộc khởi nghĩa ngày 9 tháng 9 nhanh chóng đạt được thắng lợi

Ngày nay, sau khi Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, một số người trong giới nghiên cứu lịch sử Bulgaria đã lật lại vấn đề có nên để Quân đội Bulgaria tham gia chống lại quân đội Đức Quốc xã hay không và việc thiết lập quan hệ đồng minh Liên Xô - Bulgaria có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của Bulgaria trong tương lai hay không. Tuy nhiên, đối với giới quân sự Bulgaria hiện nay, họ vẫn tự hào vì quân đội Bulgaria đã đóng góp xứng đáng vào cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa phát xít, đem lại hòa bình cho Đông Âu và Bulgaria.[38]

Ảnh hưởng

Tượng đài kỷ niệm quân đội Liên Xô tại Thủ đô Sofia

Việc để mất Bulgaria là một đòn mạnh tiếp theo giáng vào vị thế chiến lược chính trị, quân sự của nước Đức Quốc xã tại Balkan. Ngoài việc hải quân Đức Quốc xã không còn chỗ đứng ở Biển Đen, nước Đức Quốc xã mất thêm một đồng minh ở Balkan; quân đội Đức Quốc xã còn bị hở toàn bộ sườn phía Đông Balkan. Quân đội Liên Xô đã chiếm lĩnh biên giới Bulgaria - Nam Tư đã tiến ra tuyến có thể trực tiếp chi viện cho Quân giải phóng nhân dân Nam Tư hoàn thành công cuộc giải phóng đất nước họ và góp phần cùng với quân đội Liên Xô, quân đội Romania, quân đội Bulgaria cùng các lực lượng du kích Hy Lạp và Albania hoàn thành việc giải phóng bán đảo Balkan, tiến tới đánh bại hoàn toàn quân đội Đức Quốc xã và đồng minh duy nhất còn lại của họ ở châu Âu là quân đội Hungary.

Sự kiện Bulgaria đứng về phía Liên Xô đã làm cho cuộc tranh chấp bán đảo Balkan giữa các nước đồng minh Anh, Mỹ và Liên Xô thêm căng thẳng. Mặc dù Tổng thống Hoa Kỳ Franklin Roosevelt không ủng hộ "phương án Balkan" của Thủ tướng Anh Winston Churchill ngay từ Hội nghị Tehran 1943 nhưng cơ quan OSS của Hoa Kỳ vẫn liên kết với cơ quan tình báo MI6 của Anh để tìm kiếm những ảnh hưởng phục vụ cho lợi ích của Anh và Mỹ tại Balkan. Tuy nhiên, một khi các thỏa thuận của Hội nghị Tehran được thực thi và cả một phương diện quân Liên Xô đã có mặt tại Bulgaria và một chính quyền mới thân Liên Xô đã lập ra tại đây thì những hành động muộn màng của quân đồng minh ở Địa Trung Hải nhằm bắt tay với quân đội Bulgaria sau lưng Chính phủ Bulgaria và quân đội Liên Xô đều không đạt được bất kỳ một kết quả nào.

Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có quyền lợi và ảnh hưởng quan trọng ở Biển Đen đã tỉnh táo nhìn nhận diễn biến tình hình khu vực Balkan từ rất sớm và đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao và hạn chế các quan hệ kinh tế với nước Đức Quốc xã ngay khi quân đội Liên Xô bắt đầu tiến vào lãnh thổ Romania. Ngày 5 tháng 9 năm 1944, việc Liên Xô tuyên chiến với Bulgaria và đến ngày 8 tháng 9 thì tiến quân vào nước này đã làm cho Chính phủ Thổ Nhĩ kỳ lo ngại. Để bảo vệ vùng Istanbul (Constantinopolis) trong đó có các eo biển chiến lược Bosphorus và Dardanelles, ngày 6 tháng 9, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai 20 sư đoàn dọc theo biên giới Bulgaria - Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, quân đội Liên Xô không có ý định tiến xuống phía Nam. Mục tiêu tiếp theo của họ là vùng Tây Balkan để tiếp cận biên giới phía Nam của nước Đức Quốc xã.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_giải_phóng_Bulgaria http://rdsc.md.government.bg/BG/About/VoennaIstori... http://www.znam.bg/com/action/showBook?bookID=940&... http://decommunization.org/Communism/Bulgaria/1944... http://militera.lib.ru/h/chernomorskiy_flot/17.htm... http://militera.lib.ru/h/samsonov2/18.html http://militera.lib.ru/memo/other/panchevsky_p/05.... http://militera.lib.ru/memo/russian/anoshin_is/03.... http://militera.lib.ru/memo/russian/anoshin_is/04.... http://militera.lib.ru/memo/russian/berezhkov_vm/0... http://militera.lib.ru/memo/russian/bologov_fp/07....